Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính
Ngày đăng: 07/03/2019  16:36
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 5-3-2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức hội thảo tham vấn “Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử tại các doanh nghiệp (DN) Việt Nam: Các phát hiện chính và một số khuyến nghị”.

Chuẩn bị cho Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sắp chính thức có hiệu lực, nghiên cứu được thảo luận tại hội thảo nhằm kịp thời giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tuân thủ quy định của pháp luật về trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp thông qua xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ.

Kết quả nghiên cứu thu được từ 239 DN tham gia khảo sát và 40 DN tham gia vào các cuộc phỏng vấn sâu cho biết một tỷ lệ lớn DN còn chưa hiểu đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và Bộ quy tắc ứng xử.

Cụ thể, nhiều DN cho rằng kiểm soát nội bộ chỉ đơn thuần là trách nhiệm của kiểm soát viên nội bộ chứ không phải là quản trị DN. Chỉ có 50-60% DN cho thấy họ hiểu rõ về kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử cũng như vai trò quan trọng với sự phát triển bền vững của DN.

Theo nhóm nghiên cứu, có hai vấn đề quan trọng cần xem xét là một tỉ lệ lớn các doanh nghiệp đã vi phạm một số các quy định và việc chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ nhà nước dường như là một thông lệ kinh doanh phổ biến mang tính văn hóa ở Việt Nam.

Để giải thích hay biện minh cho việc này, các doanh nghiệp đã đưa ra một số thách thức để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật như gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định hoặc do các quy định pháp luật có sự chồng chéo, mâu thuẫn và thay đổi thường xuyên trong khi bản thân doanh nghiệp lại thiếu nhân lực chuyên trách để cập nhật, theo dõi sự thay đổi đó.

 

 

Các nghiên cứu được thảo luận nhằm giúp DN chuẩn bị tốt cho việc thực thi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sắp có hiệu lực thi hành

 

Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các đối tác kinh doanh, các biện pháp không chính thức và làm ăn dựa trên mối quan hệ thân quen được sử dụng khá rộng rãi và chiếm tỷ trọng khá lớn. Mối quan hệ cá nhân, chi phí không chính thức được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm 25% - 30% trong trong các giao dịch kinh doanh.

1/3 số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh. Các hoạt động bất thường trong mua sắm, bán hàng đều chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát và điều này được cho là nguy cơ tác động đáng kể tới tính liêm chính trong kinh doanh…

Đáng báo động hơn là các bất thường trong quản lý nhân sự có khoảng 27% đến 38% người trả lời cho biết họ có biết các hoạt động như “thực hiện không đầy đủ các khoản phải nộp cho người lao động”, “Chưa tuân thủ pháp luật về lao động trong ký kết và thực hiện hợp đồng” và “tuyển dụng dựa phần lớn vào quen biết, quan hệ nhiều hơn là năng lực”.

Các báo cáo vi phạm trong quản trị doanh nghiệp vừa qua đã phần nào khẳng định hầu hết các vụ việc liên quan gần đây xẩy ra là hậu quả của năng lực kiểm soát nội bộ và sự tuân thủ bộ quy tắc ứng xử còn yếu kém, thiếu minh bạch.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh “Khi các hệ thống kiểm soát và tuân thủ của doanh nghiệp không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng thì các hành vi xấu dễ có cơ hội này sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới thông qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu. Sự lãnh đạo đúng đắn, các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính doanh nghiệp”. 

Ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho rằng, với các nỗ lực từ phía Chính phủ, cụ thể Luật Phòng, chống tham nhũng sắp tới có hiệu lực, sẽ tạo đà thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ và thể hiện rõ cam kết xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính. Tuy nhiên, để có thể thực hiện một chương trình liêm chính doanh nghiệp hiệu quả thì cần có sự hợp tác tham gia của các bên liên quan không chỉ từ phía cơ quan chính phủ mà còn có sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội.

Mai Chi

Ý kiến bạn đọc:

Họ tên (*)
Email
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)

Gửi ý kiến thành công

Ý kiến của bạn sẽ được quản trị viên xét duyệt và phản hồi trong thời gian sớm nhất. Trân trọng cảm ơn!

Đóng lại
Sức lan tỏa từ dự án RALG Kon Tum

Kết nối cộng đồng

Đăng ký nhận bản tin

Phiên bản đang chạy thử nghiệm